Thêm 2 lần trả lời các câu hỏi phỏng vấn của ông Ngô Văn Hòa - Nhà sáng lập Nam Hoa Toys và tiếp xúc với đội ngũ quản lý, nhân sự tại nhà xưởng, thương vụ M&A đã được ông Sơn hoàn tất. Từ vai trò của một vị khách tham quan sản phẩm, vị doanh nhân này đã thẳng tiến đến chiếc ghế Chủ tịch Nam Hoa trong thời gian kỷ lục - chưa đầy 2 tháng!
1. TỪ MỘT THƯƠNG VỤ M&A CHỚP NHOÁNG
Rõ ràng tại Nam Hoa, ông Sơn không phải là cổ đông sáng lập cũng không có mối quan hệ cá nhân nào với nhà sáng lập công ty nhưng vị Chủ tịch tân nhiệm này lại ưa thích được mọi người gọi mình là người kế nghiệp. Lý giải cho điều này ông Sơn cho biết đó là bởi ông có chung tầm nhìn chiến lược với ông Hoà khi nhận thấy cơ hội phát triển từ thị trường ngách là đồ chơi trẻ em và hàng quà tặng bằng gỗ cao cấp.
Trước khi thực hiện thương vụ M&A này Nam Hoa đã được 2 Quỹ đầu tư rót vốn, mua cổ phần là Mekong Capital và Japan-Vietnam Growth Fund. Sau 8 năm Mekong Enterprise Fund (thuộc Mekong Capital) đã hoàn tất thoái vốn và giới thiệu đây là “công ty hàng đầu tại Việt Nam về sản xuất đồ chơi bằng gỗ cho trẻ em ở độ tuổi từ 1 đến 10 tuổi”. Trên thực tế không phải chỉ có mình ông Sơn bị thu hút bởi Nam Hoa bởi trước đó đã có 3 nhà đầu tư muốn mua lại công ty với giá cao hơn mức ông đưa ra. Tuy nhiên, mức giá lại không phải là lực hút duy nhất hấp dẫn nhà sáng lập Nam Hoa chấp nhận chuyển giao công ty.
Theo chia sẻ của ông Sơn, với bản tính cẩn trọng, vị lãnh đạo ở tuổi 65 này muốn tìm một người kế nghiệp đúng nghĩa, không chỉ giúp công ty bước qua ngưỡng phát triển hiện tại mà còn phải đảm bảo đời sống cán bộ công nhân viên. Khi chuyển giao quyền sở hữu Nam Hoa, ông Hoà đã 65 tuổi, không có người kế nghiệp ruột thịt và hiểu rõ thực tế rằng một công ty 24 năm tuổi cần phải hình thành được đội ngũ quản trị mới để đưa doanh thu vượt ngưỡng 170 tỷ đồng/năm. Tại Nam Hoa, đa số nhân sự đều là những người đã gắn bó từ những ngày đầu thành lập, là những người đã chứng kiến sự trưởng thành của công ty trong thời gian dài. Chất lượng sản phẩm, yếu tố con người chính là những động lực thúc đẩy quyết tâm kế thừa Nam Hoa của ông Sơn trong thương vụ M&A.
Vậy bằng cách nào, nhà đầu tư này có được niềm tin từ nhà sáng lập Nam Hoa?
“Kinh nghiệm 12 năm làm việc tại Unilever Việt Nam, vị trí Tổng Giám đốc một số công ty nội địa tăng trưởng đều đặn, chia cổ tức khoảng 30%/năm chính là điểm cộng về năng lực quản trị của tôi khi thuyết phục nhà sáng lập Nam Hoa”, ông Sơn cho hay. Thêm vào đó, ông Sơn còn cam kết trong 2 năm đầu tiếp quản sẽ không có bất kỳ sự thay đổi về nhân sự, khẳng định sẽ triển khai việc đào tạo nhân sự nguồn, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp trung thông qua các chuyên gia nước ngoài.
2. ...ĐẾN HÀNH TRÌNH MỚI CHINH PHỤC "TRÁI TIM' KHÁCH HÀNG CỦA NAM HOA TOYS
Sức ép cạnh tranh trên thương trường luôn có, tuy nhiên vị Chủ tịch của Nam Hoa luôn tự tin "đi khắp Việt Nam, không thể tìm được một công ty nào có chất lượng sản phẩm, danh tiếng hơn Nam Hoa trong ngành hàng đồ chơi trẻ em và hàng lưu niệm bằng gỗ". Điều này đã được chứng minh qua thực tế là hiện nay trên thị trường Việt Nam ít có đơn vị nào sản xuất được sản phẩm gỗ chất lượng cao, chi tiết phức tạp như Nam Hoa. Lấy ví dụ như bộ xe đồ chơi của Nam Hoa gồm 20 loại chi tiết khác nhau, mỗi chi tiết cần từ 10-16 công đoạn sản xuất, đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe nhất của ngành hàng. Thậm chí dù làm đơn hàng gia công, song đội ngũ thiết kế của công ty còn phụ trách luôn việc thiết kế dựa trên ý tưởng phác hoạ từ đối tác nước ngoài.
Triết lý Kaizen và 5S của người Nhật đã được vị tân Chủ tịch sử dụng trong quá trình vận hành Nam Hoa để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng đúng thời hạn đơn hàng, đảm bảo mức giá cạnh tranh. Hoạt động đào tạo nhân sự luôn được chú trọng thực hiện nhằm hiện đại hóa bộ máy sản xuất, nhằm đảm bảo “hậu phương” luôn đáp ứng được nhanh chóng những đòi hỏi khắt khe về mẫu mã, chất lượng sản phẩm từ đối tác nhập khẩu.
Sau 4 năm thực hiện M&A, doanh thu và lợi nhuận của Nam Hoa tăng trưởng đều đặn, quy mô đã tăng gấp đôi so với thời kỳ chuyển giao. Thành quả khiến ông Sơn và đội ngũ lãnh đạo mới cảm thấy tự hào nhất sau khi tiếp quản và chuyển đổi hệ thống vận hành đó chính là “anh em được nâng cao tay nghề cũng như bình quân thu nhập tăng từ 100-250%” nhờ năng suất được cải thiện.
Quan điểm lấy con người làm gốc đã được Chủ tịch Nam Hoa phân tích rõ ràng: “Tôi luôn quan niệm rằng, người lao động là một phần trong sự tăng trưởng và lợi nhuận, tức một khoản đầu tư chứ không phải chi phí. Nhiệm vụ lãnh đạo là phải tạo nên hệ thống hoạt động sao cho các nhân viên cầm càng nhiều tiền của công ty về nhà càng tốt. Vì khi họ không hoàn thành công việc thì ban giám đốc cũng không hoàn thành mục tiêu và công ty cũng không ổn. Khi nhân viên được 1 thì công ty sẽ được 10”. Bởi vậy, vào thời điểm Nam Hoa chuyển sàn sang niêm yết tại HoSE (mã CK: NHT), vị Chủ tịch này chẳng hề ngần ngại khẳng định đây là cơ hội chuyển mình cho một thương hiệu uy tín khi trở nên minh bạch về tài chính và có thể đồng hành với nhiều cổ đông hơn.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, thay bằng lựa chọn hoạt động trên “sân nhà”, Nam Hoa đã tập trung hoạt động tại thị trường nước ngoài. Chỉ sau 2 năm ra đời, sản phẩm của doanh nghiệp này có mặt tại Hàn Quốc, sau đó mở rộng thị trường sang Nhật Bản, EU, Mỹ… Hiện nay tỷ lệ sản phẩm gia công phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Nam Hoa chiếm tới 98% sản lượng. Tuy nhiên, một chiến lược dài hạn cũng đang được ban lãnh đạo công ty nghiên cứu đề ra, mục tiêu trong 5 năm tới lượng sản phẩm xuất khẩu của Nam Hoa sẽ rút bớt xuống còn 70% để phục vụ nhu cầu phát triển thương hiệu cũng như đặt kênh phân phối tại nước ngoài.
Trải qua gần 30 năm hoạt động, hiện nay Nam Hoa đã nắm trong tay nhiều sản phẩm đứng đầu thị trường xuất khẩu tại Việt Nam về đồ chơi trẻ em, quà lưu niệm và đồ dùng nhà bếp… đều bằng gỗ. Xuất phát từ ý tưởng và hưởng ứng tinh thần bảo vệ môi trường, Nam Hoa đã kiến tạo nên một thế giới đồ chơi bằng gỗ đầy màu sắc dành cho trẻ với tính giải trí và giáo dục cao hay phát triển các mẫu mã hàng quà tặng cao cấp bằng gỗ qua bàn tay tài hoa, khéo léo của những người thợ lành nghề. Để làm được điều này, Nam Hoa đã có quá trình đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ sản xuất, cơ sở hạ tầng hiện đại và đầu tư xây dựng nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm.
Năm 2019 công ty Nam Hoa đã ghi dấu ấn trên thị trường khi triển khai xây dựng nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung - Củ Chi. Với diện tích lên đến 20.000 m², sản lượng trên 3 triệu sản phẩm, nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm thiết bị nhà bếp, gia dụng, sản phẩm đồ chơi trẻ em và hàng quà tặng cao cấp bằng gỗ… quy mô bậc nhất cả nước. Các thương hiệu Nam Hoa Toys, Nam Hoa Decor và Nam Hoa Household ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng trong nước và người tiêu dùng quốc tế.
Gần đây, Nam Hoa đã gây chú ý trên thị trường khi mua lại 51% vốn của CTCP Sản xuất và Thương mại Miền Quê - một doanh nghiệp hiện có quy mô gấp 4 lần Nam Hoa. Lý giải cho thương vụ M&A mới này, Chủ tịch Nam Hoa cho biết, Miền Quê có nền tảng hoạt động tốt trong lĩnh vực nội thất, để phục vụ cho mục tiêu phát triển sản phẩm cốt lõi, Nam Hoa sẽ mua thêm một số công ty con để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn. “Năm 2017 doanh thu của Nam Hoa ở mức 170 tỷ đồng, năm nay đạt ngưỡng hơn 1.000 tỷ đồng theo Báo cáo hợp nhất. Đây chính là tiền đề giúp chúng tôi triển khai các thương vụ M&A để nắm cổ phần chi phối thêm một vài công ty trong thời gian tới”, Chủ tịch Nam Hoa cho biết.
Với phương châm "Thân thiện với mọi nhà", hàng gia dụng sẽ là những sản phẩm chiến lược được Nam Hoa triển khai sản xuất trong giai đoạn kinh doanh tiếp theo. Khi đó, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội trải nghiệm tuyệt vời cùng các thương hiệu Nam Hoa Toys, Nam Hoa Décor, Nam Hoa Furniture.
Ánh Dương
Theo Trí Thức Trẻ
Link bài viết: https://cafebiz.vn/cau-chuyen-ve-nguoi-ke-nghiep-o-nam-hoa-voi-triet-ly-la-lung-bat-cac-nhan-vien-cam-cang-nhieu-tien-cua-cong-ty-ve-nha-cang-tot-2022012417205849.chn